Những sai lầm khi viết CV xin việc IT

Django Developer
Trong quá trình tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (IT), việc viết một CV ấn tượng và chuyên nghiệp là rất quan trọng để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, có một số sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi viết CV xin việc trong lĩnh vực IT. Dưới đây là những sai lầm đó và cách khắc phục.
nhung-sai-lam-khi-viet-cv-xin-viec-it

1. Sai lỗi chính tả

Việc mắc lỗi chính tả trong CV cho thấy sự thiếu cẩn thận và không chuyên nghiệp. Trước khi gửi CV đi, hãy kiểm tra kỹ lưỡng để chắc chắn rằng không có lỗi chính tả và ngữ pháp. Sử dụng các công cụ kiểm tra lỗi chính tả trực tuyến hoặc nhờ người khác đọc lại CV của bạn để phát hiện những lỗi bạn đã bỏ sót.

2. Không dùng định dạng file PDF

Khi gửi CV qua email hoặc trang web tuyển dụng, nên sử dụng định dạng PDF để đảm bảo rằng trình bày của CV không bị thay đổi hoặc bể. Định dạng PDF giúp CV của bạn trông chuyên nghiệp và dễ đọc hơn. Tuyệt đối không nên dùng liên kết để trỏ đến CV. Những người làm ở những công ty chuyên nghiệp sẽ hạn chế nhấn vào các liên kết ngoài khi không được kiểm chứng về độ an toàn. Tốt nhất là hãy đính kèm file PDF vào email nhé.

3. CV quá dài

Chỉ nên viết gói gọn trong 1 trang A4. Một CV quá dài sẽ khiến làm mất đi sự súc tích của thông tin. Nhà tuyển dụng thường chỉ có thời gian hạn chế để xem qua CV của ứng viên. Hãy tập trung chỉ nêu những thành tích nổi bật nhất, để dành cho cuộc phỏng vấn và khơi gợi sự tò mò của nhà tuyển dụng. Việc viết quá dài cũng có thể tạo ra nhiều điểm yếu khi tham gia phỏng vấn. Hãy nhớ câu ngạn ngữ "Nói dài thành nói dở", điều này cũng áp dụng cho việc viết CV.

4. Thiếu thông tin cá nhân cơ bản

Một số ứng viên có xu hướng thiếu đi các thông tin cá nhân cơ bản như tháng năm sinh, quê quán và nơi sinh sống hiện tại của mình. Tuy nhiên, việc cung cấp các thông tin này giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về bạn, như tuổi, quê quán, cách công ty có xa hay không. Thậm chí với các công ty Việt Nam còn xem xét yếu tố "hợp tuổi" cho các chức quản lý quan trọng.

5. Thích khoe thành tích học tập và làm việc

Nhà tuyển dụng quan tâm đến những gì bạn có thể đóng góp cho công ty, hãy tập trung vào những thành tựu, dự án hoặc kỹ năng liên quan đến lĩnh vực IT mà bạn đã đạt được, cái mà có thể hữu ích cho công việc sắp tới của bạn.

6. Không nên viết hỗn hợp nhiều ngôn ngữ trong CV

Viết hẳn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt khi viết CV xin việc trong lĩnh vực IT. Hãy chọn một ngôn ngữ duy nhất và viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ đó. Việc viết lai giữa tiếng Anh và tiếng Việt có thể gây khó khăn trong việc đọc hiểu và tạo ra sự mập mờ trong thông tin mà bạn muốn truyền đạt. Hơn nữa, việc chọn một ngôn ngữ duy nhất cho CV cũng giúp thể hiện kỹ năng ngôn ngữ của bạn và sự chuyên nghiệp trong việc trình bày thông tin.

7. Không thể hiện được cá tính

Đừng ngại thể hiện cá tính của mình trong CV. Bạn có thể viết thêm về sở thích cá nhân ngoài công việc để tạo thêm sự thú vị cho CV. Tuy nhiên, hãy viết cụ thể và tránh viết chung chung. Sở thích cá nhân cũng có thể cho thấy một số kỹ năng mềm như sự sáng tạo, sự tổ chức, hoặc khả năng làm việc nhóm.

Tóm lại, viết CV xin việc IT cần chú trọng vào việc gửi thông tin quan trọng một cách súc tích, chính xác và chuyên nghiệp. Hãy tạo sự thú vị và cá nhân hóa CV của bạn để nổi bật giữa đám đông và tăng cơ hội được nhận lời mời phỏng vấn.

8. Không tiết lộ các thông tin nhạy cảm thuộc về công ty cũ

Ý này được viết thêm bởi gợi ý của bạn có nick tiktok là: Minh Minh

Việc giữ kín các thông tin nhạy cảm thuộc về công ty cũ không chỉ thể hiện tính chuyên nghiệp và tôn trọng, mà còn cho thấy bạn có khả năng quản lý thông tin một cách thích hợp và biết giữ bí mật. Điều này sẽ tạo ra ấn tượng tích cực và khả năng tin cậy trong mắt nhà tuyển dụng, từ đó gia tăng cơ hội của bạn để được gặp gỡ và thể hiện khả năng trong quá trình phỏng vấn.

Một số bạn sẽ viết kiểu như: Từ tham gia đội ngũ của công ty X làm việc với các khách hàng lớn như Microsoft, Intel... Như vậy bạn vô tình đã làm lộ thông tin về khách hàng của công ty X.

Hãy nhớ rằng mục tiêu của CV là truyền tải thông tin về khả năng và thành tựu của bạn, hãy tập trung vào đó.

Vietdev chúc bạn có nhiều cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời!

6 phút đọc·244 lượt xem·